Sau Grab, FastGo và GoViet, thị trường lại tiếp tục chào đón thêm một tân binh mới vào ngày 13/12 vừa qua, đó là “Be”. “Be” xuất hiện dưới cả 2 dịch vụ là gọi xe 2 bánh beBike và xe 4 bánh beCar để có thể phục vụ thêm nhiều nhu cầu đi lại cho người dùng toàn quốc.
Ứng dụng gọi xe “be” thuộc Begroup do ông Trần Thanh Hải – Đồng sáng lập, Nguyên Giám đốc công nghệ của VNG làm Tổng Giám đốc.
Cũng trong ngày ra mắt, CEO BeGroup tuyên bố, ứng dụng gọi xe “be” được đăng ký kinh doanh lĩnh vực vận tải. Đây chính là diều khác biệt so với tất cả các ứng dụng gọi xe trên thị trường hiện nay như Grab, FastGo hay Go-viet.
Sau khi ra mắt, hai dịch vụ chính mà Be sẽ vận hành từ 17/12 là dịch vụ đặt xe 2 bánh beBike và dịch vụ gọi xe 4 bánh beCar và đặt mục tiêu trở thành một trong những ứng dụng hàng ngày của Việt Nam thu hút 10 triệu khách hàng trong 3 năm.
Phía “be” cho hay, trên nền tảng ứng dụng dụng xe “be”, BeGroup sẽ phát triển thêm dịch vụ giao hàng, chương trình khách hàng thân thiết và ví điện tử.
Be sẽ triển khai dịch vụ vận chuyển đầu tiên tại Hà Nội và TP.HCM từ 17/12 sau đó sẽ tiếp tục phát triển ở các tỉnh, thành phố khác từ sau tháng 2 năm sau khi có được sự chấp thuận của cơ quan quản lý Nhà nước.
Dự kiến, trong năm 2019, be sẽ có mặt tại 15 tỉnh, thành phố trên cả nước và đến hết năm 2020 là tại 63 tỉnh, thành trên cả nước.
Mục tiêu ứng dụng này đặt ra đến hết năm nay sẽ có 10.000 đối tác tài xế tài xế tại mỗi thành phố (Hà Nội, TP.HCM – PV), dự kiến đến cuối năm 2019 thì lượng đối tác này sẽ tăng đến con số 110.000 người với lượt tải ứng dụng lên tới 6,6 triệu lượt và hoàn thành hơn 105 triệu chuyến đi.
Cũng trong năm 2019, be dự kiến sẽ đưa ra dịch vụ giao hàng ra thị trường.
Đây là ứng dụng thuần Việt từ ý tưởng sáng tạo, thiết kế đến vận hành đều được phát triển từ đội ngũ kỹ sư Việt – những người đã làm việc với các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới. Phía be cho biết hoàn toàn tự tin có thể cạnh tranh với các ứng dụng gọi xe đang có trên thị trường hiện nay.
Như vậy có thể thấy, những tưởng có thể trở thành độc quyền nhưng ngày càng có thêm nhiều “đối thủ” mới xuất hiện cạnh tranh cùng Grab. Kết quả của cuộc chiến giành thị phần là hoàn toàn không thể nói trước. Nhưng điều có thể chắc chắn khẳng định chính là quyền lợi cùng yêu cầu của người tiêu dùng sẽ ngày càng được đáp ứng nhanh chóng và chất lượng hơn.
Nguồn: ICT News